Ngành giấy đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD phát biểu tại Hội nghị

Để mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cùng với Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những đánh giá khách quan và thông tin chính xác về giấy thu hồi, một loại nguyên liệu thứ cấp, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn.

Ngày 17/04, tại Văn phòng Hiệp hội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và ông Bob Zak, Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc làm việc về việc xây dựng cơ sở dữ liệu các bên mua/ bán cũng như các đơn vị hỗ trợ trong lĩnh vực mua bán và hỗ trợ kỹ thuật nguyên liệu tái chế/ tái sử dụng ngành giấy, hỗ trợ hình thành thị trường nguyên liệu thứ cấp chính thức tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.

TS. Đặng Văn Sơn, Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, về bản chất ngành công nghiệp giấy là một ngành kinh tế tuần hoàn. Xuất phát điểm của giấy là từ gỗ (rừng trồng và phải có chứng chỉ FSC), sau đó sản xuất ra giấy, giấy được thu hồi và tái chế trở lại. Quá trình tái chế có thể diễn ra nhiều lần với các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng và nhu cầu thị trường. Tái chế giấy không những tiết kiệm cho xã hội, bảo vệ môi trường còn giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định…

Hiện nay, Hiệp hội luôn có các chương trình truyền thông để thay đổi nhận thức, quan niệm về giấy nguyên liệu thứ cấp, cũng như đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ giấy thu hồi, tái sử dụng giấy… Hiệp hội cũng đánh giá cao Dự án “Xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp” của Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và hoàn toàn ủng hộ các chương trình của dự án thông qua cung cấp thông tin, dữ liệu, đánh giá về tái chế giấy.

TS Đặng Văn Sơn cho biết, để thực hiện có hiệu quả phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn; Xây dựng bộ quy định phân loại rác tại nguồn như nhiều nước đang áp dụng (ví dụ như, nếu không phân loại rác sẽ không thu gom hay các công ty môi trường cần áp dụng phân loại rác trước khi chôn lấp, xử lý…); xây dựng hệ thống thu mua gom nguyên liệu thứ cấp trực tiếp từ người sử dụng hoặc chỉ thông qua một số đầu mối chính, tránh tình trạng nguyên liệu thứ cấp phải đi qua nhiều trung gian dẫn đến giá thành bị tăng cao;…

“Nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên cũng như tạo điều kiện để đón đầu chính sách, định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia” – Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD.

Kính mời Quý vị đăng ký tham gia triển lãm Paper Vietnam 2019, diễn ra từ ngày 26 – 28/06/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. HCM, để khám phá nhiều cơ hội giao thương hấp dẫn.
» Đăng ký đặt gian hàng TẠI ĐÂY!

VPPA