Việt Nam tăng đáng kể lượng xuất khẩu dăm gỗ cứng vào Trung Quốc

Việt Nam gia tăng xuất khẩu dăm gỗ cứng

Nghịch lý về việc xuất khẩu dăm mảnh gỗ với khối lượng lớn trong khi ngành giấy bao bì và các sản phẩm từ giấy tại Việt Nam lại đang thiếu nguồn nguyên liệu là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay.

Việt Nam tăng đáng kể lượng xuất khẩu dăm gỗ cứng vào Trung Quốc

Theo Bản tin Kinh tế từ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam, nhập khẩu dăm mảnh gỗ cứng của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong Quý III năm 2018. Đáng chú ý là Việt Nam đã tăng đáng kể lượng xuất khẩu so với năm 2017 và trở thành nước có lượng xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, vượt trên Australia - nước xuất khẩu lớn hàng năm (Theo báo cáo hàng quý của cơ quan Quản lý Tài nguyên gỗ).

Từ đầu năm 2018, nhiều nhà máy bột giấy tại Trung Quốc đã tăng nhập khẩu dăm gỗ cứng, đẩy khối lượng nhập khẩu lên mức cao kỷ lục với 3,5 triệu tấn (khô tuyệt đối – odmt) trong quý III năm 2018, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017. Hải quan Trung Quốc cho biết, gia tăng nguồn cung lớn nhất trong năm 2018 nay là dăm gỗ từ Việt Nam, với tổng khối lượng trong chín tháng đầu năm 2018 cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2017. Đổng thời, giá nhập khẩu trung bình dăm mảnh gỗ của Trung Quốc tăng nhẹ trong quý III năm 2018, lên 180 USD/tấn (odmt), cao hơn 3 USD so với quý trước.

Australia là nhà cung cấp dăm mảnh gỗ lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Từ tháng 09/2017 đến 09/2018, các nhà cung cấp dăm mảnh Australia đã giảm thị phần từ 35% xuống còn 28%. Bên cạnh Việt Nam và Australia chiếm hơn 80% nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2018, Chile, Thái Lan, Brazil, Nam Phi và Malaysia cũng cung cấp đáng kể.

Nghịch lý trong ngành công nghiệp Giấy tại Việt Nam

Trong suốt 15 năm qua, xuất khẩu dăm mảnh gỗ của Việt Nam có xu hướng tăng lên và có khả năng sẽ đạt mức cao kỷ lục khoảng 10 triệu tấn (khô tuyệt đối) trong năm 2018.

Tuy nhiên, với thực trạng ngành lâm nghiệp, chế biến gỗ tại Việt Nam đang thiếu nguyên liệu, Việt Nam có thể thực thi chính sách lâu dài nhằm giảm xuất khẩu nguyên liệu thô để mở rộng chế biến và nâng giá trị gia tăng sản phẩm trong nước, do vậy việc xuất khẩu này có thể sẽ bị suy giảm từ năm 2019.

Đây được đánh giá là một nghịch lý trong ngành công nghiệp giấy, chế biến gỗ của Việt Nam, bởi lẽ trong khi xuất khẩu dăm mảnh gỗ gia tăng khối lượng lớn thì Ngành Giấy Việt Nam như sản xuất giấy bao bì và các sản phẩm từ giấy lại đang thiếu nguồn nguyên liệu bột giấy, phải nhập khẩu bột giấy và giấy loại thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Các chuyên gia cho biết sản xuất bột giấy từ nguyên liệu dăm mảnh gỗ là công đoạn mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho ngành công nghiệp Giấy.

Paper Vietnam là Triển lãm & Hội thảo quốc Tế chuyên ngành Công nghiệp Giấy và Bột Giấy tổ chức thường niên tại Việt Nam, là điểm đến lý tưởng để kết nối, tăng cường và mở rộng hợp tác kinh doanh. Kính mời quý vị đến với Paper Vietnam 2019, diễn ra từ ngày 26 – 28/06/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.

Source: VPPA News