Doanh nghiệp giấy 'khó chồng khó' khi giá nước sạch tăng sốc

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vừa báo cáo Tổ điều hành thị trường (Bộ Công Thương) về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.

nganh-giay-kien-nghi-tang-gia-7562-9256-

Doanh nghiệp giấy 'khó chồng khó' khi giá nước sạch tăng sốc.

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, việc chuyển trạng thái từ phòng chống dịch sang trạng thái bình thường đã tạo ra rất nhiều mặt tích cực như tiêu dùng giấy các loại đã tăng 3,6%, nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất lại giảm nhẹ 1,1% và xuất khẩu giảm 3,2%.

Nguyên nhân là do nguyên liệu sản xuất biến động tăng mạnh và liên tục. Giá bột giấy đến thời điểm tháng 6 đã thiết lập mức đỉnh: Bột giấy tẩy trắng gỗ cứng (BHKP) ở mức 830 USD/tấn, Bột giấy tẩy trắng gỗ mềm (BSKP) ở mức 1.088 USD/tấn. Giá bột giấy phế liệu (OCC) ở mức 270-280 USD/tấn.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển vẫn tăng cao và khó khăn vận chuyển dẫn đến nhiều đơn hàng bị pending (chưa giải quyết) và delay (chậm trễ) dài ngày. Thêm vào đó, giá than, xăng dầu, khí đốt... tăng đột biến và khan hiếm nguồn cùng tạo nên áp lực rất lớn cho chi phí giá thánh sản phẩm.

“Cùng với đó là tâm lý sợ thiếu hụt hàng do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, các nhà nhập khẩu và sản xuất gia công gom tích hàng rất nhiều, tuy nhiên do nhu cầu thị trường tiêu dùng tăng trưởng không quá mạnh dẫn đến tồn kho cao”, ông Sơn cho hay.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết hiện nay một số tỉnh lại điều chỉnh tăng giá nước sạch cho sản xuất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làm cho các doanh nghiệp thêm khó khăn. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Phước đã có quyết định tăng từ tháng 6/2022 với mức tăng bình quân 6%/năm cho đến năm 2026, với mức tăng 22,5% so với giá nước hiện tại, trong khi đó, giá nước của Bình Phước đã ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực.

“Ngành giấy có đặc điểm là sử dụng nhiều nước trong hoạt động sảm xuất kinh doanh, bình quân nhà máy trung bình sử dụng 10.000m3/ngày-đêm, điều này dẫn đến chi phí tiền nước sạch cho sản xuất tăng cao và gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Sơn chia sẻ.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị áp dụng mức tăng giá nước sạch bình quân là 3%/năm thay vì 6%/năm so với mức giá hiện tại và lộ trình tăng giá kéo dài đến năm 2030 thay vì đến năm 2026 là phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, ổn định an sinh xã hội, góp phần thực hiện chính sách kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trước đó, công ty TNHH MTV Giấy Khôi Nguyên (Bình Phước) có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước, chia sẻ hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường từ tác động bên ngoài lãnh thổ. Đơn cử việc Trung Quốc áp dụng biện pháp khống chế dịch bệnh một cách mạnh mẽ khiến cho một phần lưu thông hàng hải quốc tế bị tê liệt trong một thời gian dài.

Với mức tăng giá nước mà UBND tỉnh Bình Phước đưa ra, công ty Giấy Khôi Nguyên nhận định đây là mức tăng giá không phù hợp trong điều kiện các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ dịch bệnh và chiến tranh.

"Đối với đơn giá điều chỉnh khoảng 6%/năm từ năm 2023 đến năm 2026 là chưa đủ căn cứ. Hơn nữa, việc xây dựng đơn giá nước phải được đánh giá vào tình hình thực tế của từng năm và thông qua việc kiểm tra của Sở Tài chính làm cơ sở quy định áp dụng đơn giá. Đáng lưu ý, với việc sử dụng nước là do chỉ định, các doanh nghiệp không thể trực tiếp thỏa thuận nên việc áp giá chúng tôi hoàn toàn không có sự lựa chọn hay đàm phán", Công ty Giấy Khôi Nguyên phản ánh.

Vì vậy, công ty Giấy Khôi Nguyên bày tỏ mong muốn UBND tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Phước xem xét lại giá nước cho phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong giai đoạn hết sức khó khăn này.

(Nguồn: vnbusiness.vn)