Ngành giấy Việt Nam phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn một năm

Tại hội thảo, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, ngành giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000-2007 và 16% vào giai đoạn 2007-2017. Hiện nay, ngành giấy có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Phan Chí Dũng cho biết, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu; trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất.

Trong khi đó, có thể nói, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Đó là chưa kể quan ngại về việc nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam trở thành bãi rác. Điều này chỉ đúng khi nguyên liệu nhập về không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Phan Chí Dũng cho rằng, ngành giấy có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và các hoạt động liên quan đến một số ngành sản xuất quan trọng như: Sản xuất bao giấy, xuất bản in ấn, gia công vở sổ, khăn giấy và giấy vệ sinh, hoạt động lâm nghiệp...; hoạt động thu gom tái chế cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khác.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có tiềm năng lớn để phát triển ngành giấy. Cụ thể là mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam hiện là 44 kg/người, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn (nhu cầu giấy tăng 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm); Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy/năm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Hoàng Trung Sơn cho hay, thực trạng thu gom giấy trong nước hiện nay: Tỷ lệ thu hồi thấp, chưa tới 40% (trung bình thế giới là 56%, Nhật Bản là 82%); người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn; chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy; chưa có tiêu chuẩn quốc gia về phân loại giấy thu hồi; việc thu gom chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa có hệ thống nên hiệu quả còn thấp, chi phí cao; lượng thu gom chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu sản xuất giấy tái chế.

Ông Hoàng Trung Sơn đề xuất sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu để sản xuất giấy mới; nhu cầu nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam là cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh; phải bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành về việc kiểm tra tạp chất trong giấy phế liệu.

Còn theo TS Phạm Đình Thưởng, Chuyên gia phân tích chính sách cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát tuân thủ nhập khẩu giấy phế liệu và xử lý môi trường, cần cân nhắc thận trọng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu giấy phế liệu…

Về phía các doanh nghiệp giấy, môi trường cần là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải, giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.

Phú Văn