Thị trường giấy 6 tháng đầu năm 2018

Giá giấy và bột giấy thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 do nhu cầu bột từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh và giá năng lượng cũng như các vật liệu khác dùng trong sản xuất giấy đều tăng.

Mặt hàng giấy ăn có giá tăng mạnh năm 2018
Image courtesy of thitruongdautu.vn

Diễn biến trên thị trường:

Đối với bột giấy, tính từ thời điểm Trung Quốc cấm sử dụng giấy phế liệu hỗn hợp tới nay, giá bột giấy tẩy trắng trên thị trường thế giới đã tăng 40%. Phần lớn các nhà sản xuất bột gỗ chủ chốt như Indonesia, Malaysia và Chile đều nâng giá bán bột giấy sang thị trường Trung Quốc. Giá bột giấy của Mỹ đã tăng hơn 35% trong năm 2017; chỉ trong vòng 6 tháng (tháng 9/2017 – tháng 2/2018), giá bột giấy tăng khoảng 240 USD/tấn (khoảng 20%), lên khoảng 700- 860 USD/tấn.

Có hàng loạt lý do khiến giá bột giấy tăng nhanh, trong đó đáng kể nhất là: Nhu cầu bột gỗ (sợi tự nhiên) tăng mạnh sau khi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu sản xuất giấy (giấy phế liệu); giá giấy phế liệu, nhiên liệu, hóa chất và các chi phí khác đều tăng lên; nguồn cung nguyên liệu hạn hẹp trong mùa đông; sản lượng giảm ở Nam Mỹ, sau khi một hãng sản xuất bột giấy Brazil gặp phải sự cố ở một nhà máy hồi năm ngoái. Một hãng lớn ở Indonesia cũng rất khó khăn khi thu mua gỗ súc để sản xuất bột giấy do những quy chế chặt chẽ hơn về môi trường; nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này giảm sử dụng các loại nguyên liệu gây ô nhiễm, chủ yếu là giấy phế liệu, nên phải tăng nhập khẩu bột giấy để bù vào chỗ thiếu hụt nguyên liệu; một số nhà máy sản xuất bột giấy lớn trên thế giới đóng cửa trong một thời gian để bảo trì máy móc…

Về giá giấy, theo các số liệu thống kê tại 2 thị trường Châu Á và Châu Âu cho thấy, giá giấy các loại đều tăng trong 6 tháng đầu năm 2018 do chi phí sản xuất tăng xuất phát từ giá bột giấy, giá nguyên liệu và giá hóa chất ngành giấy đều tăng; nhu cầu mạnh trong khi sản lượng không bắt kịp.

Tại Trung Quốc, tháng 5/2018 xuất hiện một làn sóng tăng giá các sản phẩm giấy, đặc biệt tại các khu vực miền bắc, miền đông và miền nam đất nước, những nơi sản xuất chủ yếu là giấy thành phẩm, như bìa trắng, giấy sóng, giấy làm thùng hàng…. Trung Quốc hạn chế nhập khẩu giấy phế liệu khiến giấy phế liệu nội địa tăng giá, đồng thời các nhà máy giấy cũng phải tăng mạnh nhập khẩu bột giấy đẩy giá bột giấy trong nước và thế giới tăng theo. Tuy nhiên, giá bìa tráng phấn ngà tại Trung Quốc lại giảm giá do cung vượt cầu, đặc biệt là các loại giấy tráng phấn dùng làm bao bì cho hàng hóa, làm hộp gấp cho hàng tiêu dùng như mỹ phẩm và dược phẩm.

Tại Đài Loan (Trung Quốc) đã xảy ra khủng hoảng giấy vệ sinh khi các siêu thị đồng loạt nâng giá thêm 10 – 30% kể từ tháng 3 bởi nguyên liệu tăng giá.

Tại Ấn Độ, giá giấy in và giấy viết tăng khá nhanh trong tài khóa 2018, đạt 65.000 – 68.000 Rupee/tấn vào cuối quý 1/2018 và tiếp tục tăng thêm 2-3% trong tài khóa 2019 (bắt đầu từ tháng 4/2018) do chi phí nguyên liệu tăng.

Tại Việt Nam, giá giấy nguyên liệu tăng ngay từ quý đầu năm cho đến nay. Cụ thể, tháng 6/2018 giá tăng ở hầu hết các chủng loại. Trước đó tháng 5/2018 giấy sản xuất tập định lượng 58 gsm có giá 24 triệu đồng/tấn, thì nay đã tăng thêm 800.000 – 1 triệu đồng/tấn. So với cuối tháng 3/2018, giá giấy in tập này đã tăng thêm 15% và tăng tổng cộng xấp xỉ 30% kể từ đầu năm đến nay.

Đối với giấy in báo giá tăng rất mạnh. Ngay từ cuối tháng 2/2018 giá bình quân đã đứng ở mức cao 2.2 triệu đồng/tấn và nay tiếp tục tăng thêm 15-20% cho các lô hàng giao vào cuối tháng 8 tới.

Đặc biệt, giấy làm bao bì và giấy bao bì tăng kể từ quý 1/2017, các thương lái Trung Quốc sang thu mua với mức giá cao hơn giá bán trong nước 1.5 – 2 triệu đồng/tấn, dao động 11.5 – 13 triệu đồng/tấn tùy loại, thậm chí họ còn muốn ký hợp đồng dài hạn và đề nghị được trả tiền trước để đưa giấy về nước. Và cho đến nay giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Để tìm hiểu thêm thông tin về thị trương giấy trong nước và quốc tế, hãy đến với hội chợ triễn lãm công nghiệp giấy và bột giấy được tổ chức thường niên tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) từ 26 - 28 tháng 6 năm 2019.

Theo: vinanet.com.vn