THỊ TRƯỜNG BAO BÌ GIẤY VIỆT NAM: Tiềm năng tăng trưởng trung bình 9,73%/ năm

 

Thị trường bao bì giấy Việt Nam đang cho thấy tiềm năng tăng trưởng vượt trội nhờ vào xu hướng phát triển bền vững của các thương hiệu nhằm nhận được thiện cảm từ phía khách hàng và đối tác. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng ban hành những chính sách thúc đẩy bao bì bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần giúp ngành bao bì giấy được dự đoán trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh đầy triển vọng tại thị trường Việt Nam.

 

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một cách rõ ràng và đầy đủ nhất về thị trường ngành bao bì giấy từ tổng quan đến tốc độ tăng trưởng cho tới những yếu tố giúp thúc đẩy và kìm hãm thị sự phát triển của thị trường ngành bao bì giấy tại Việt Nam. 
 

Tổng quan về thị trường ngành bao bì giấy tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng liên tục về ngành bao bì giấy do lượng tiêu thụ giấy trong nước cao. Trong những năm gần đây với sự phát triển mạnh mẽ trong các ngành mỹ phẩm, bán lẻ và hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện tử đã thúc đẩy sản lượng bao bì giấy để phục vụ các lĩnh vực này. Đặc biệt, sản lượng bao bì đóng gói thực phẩm và đồ uống đang tiếp tục chiếm thị phần lớn với 43,5% vào năm 2020, theo Vietnam Report.

Theo Hiệp hội bao bì Việt Nam, doanh số ngành bao bì nói chung năm 2021 đạt 13,2 tỷ USD với khoảng 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động;  trong đó riêng ngành bao bì giấy chiếm khoảng 3,5 tỷ USD với khoảng 4.500 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công nghiệp bao bì là ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,4 %/năm từ 2015 - 2020. Đặc biệt, theo báo cáo từ tổ chức Nghiên cứu Thị trường Mordor Intelligence Inc., cho thấy quy mô của thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình (CAGR) là 9,73% trong giai đoạn từ 2024 đến 2029.

Hình 1: Dự đoán doanh thu và tốc độ tăng trưởng của ngành bao bì giấy tại Việt Nam, Nguồn: Mordor Intelligence


 

Tóm lại, ngày càng nhiều các doanh nghiệp  tại Việt Nam chuyển dịch theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, thị trường bao bì giấy được kỳ vọng sẽ có sức hút lớn trong nước từ đó dần thay thế hoàn toàn thị trường bao bì nhựa.

Yếu tố thúc đẩy thị trường ngành bao bì giấy tại Việt Nam

Mô hình mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến

Theo dự toán Chính phủ Việt Nam, năm 2025 sẽ có hơn một nửa trong số 100, 3 triệu người Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến (online). Ngoài ra, theo khảo sát của VECOM, có 23% doanh nghiệp bán các sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử vào năm 2022. Bên cạnh đó, theo công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh thu của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tik Tok Shop lên tới  141.000 tỷ đồng.

 

Hình 2: Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử qua các năm, nguồn báo cáo EBI 2023.

 

 

Trong thế giới kỹ thuật số, bao bì cũng được xem là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm thu hút người tiêu dùng, do đó ngày càng nhiều các doanh nghiệp sử dụng bao bì giấy nhằm tăng thiện cảm và ủng hộ từ phía khách hàng. Vì vậy, bao bì giấy dần trở thành nền tảng giá trị thúc đẩy sự tương tác giữa nhãn hàng và người tiêu dùng.

 

Sự phát triển của ngành bán lẻ, mỹ phẩm và hoạt động xuất khẩu của sản phẩm điện tử.


Theo Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhờ vào sự phổ biến của các chiến lược bán hàng trực tuyến đã tạo ra nhu cầu lớn về các sản phẩm bao bì, đặc biệt là bao bì carton.

 

Hình 3: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 của một số thành phố lớn.

 

Tiếp theo, dựa theo báo cáo thị trường mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân năm 2022 của VIRAC, thị trường ngành mỹ phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt doanh thu ấn tượng (2,290 triệu USD). Đặc biệt, thị trường này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng là 6,2%/ năm từ năm 2021 - 2025 nhờ vào các yếu tố như thu nhập người tiêu dùng Việt năm 2023 có xu hướng trở lại mức bình thường sau đại dịch và sự bùng nổ của các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Do đó, sự tăng trưởng này sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về bao bì chất lượng cao để bảo vệ và trưng bày sản phẩm mỹ phẩm, đặc biệt là bao bì giấy.
 

Hình 4: Quy mô thị trường mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2021, nguồn VIRAC 

 

Cuối cùng, thị trường ngành sản phẩm điện tử đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh khi theo thông tin từ Trung tâm Thông tin công nghiệp, mức tăng trưởng các sản phẩm điện tử thành phẩm của Việt Nam là 20% vượt qua Thái Lan, Philippin, Malaysia và chỉ sau Hàn Quốc về sản phẩm lắp ráp xuất khẩu trong năm 2019, 2020. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện tử tại Việt Nam cao nhất thế giới ở mức 13,9% trong giai đoạn 2016 – 2020. Điều này dẫn tới gia tăng nhu cầu về bao bì carton để đóng gói và bảo vệ các sản phẩm điện tử này trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.

 

Xu hướng phát triển bền vững ngành bao bì tại Việt Nam

 

Nhờ vào chiến dịch “Race to Net Zero” - giảm phát thải ròng bằng 0 xuyên suốt đến năm 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai liên quan tới khái niệm kinh tế tuần hoàn và những yêu cầu về tính bền vững của sản phẩm,  ngày càng tác động đến các hoạt động về thiết kế bao bì. Trong đó, lĩnh vực sản xuất bao bì thân thiện với môi trường đang dần trở nên quan trọng trong quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống. Do đó, đây cũng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành bao bì giấy Việt Nam.

 

 

 

Hình 5: Khảo sát người tiêu dùng vào tháng 8/2023, được thực hiện bởi Vietnam Report.

 

Ngoài ra, bao bì bền vững là yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu tăng sự thiện cảm và ủng hộ từ phía khách hàng khi họ thấy được những đóng góp tích cực của doanh nghiệp vào các hoạt động bảo vệ môi trường và cam kết phát triển bền vững. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách về cam kết ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Theo khảo sát mới nhất từ Vietnam Report, hiện có 33,8% doanh nghiệp sản xuất bao bì đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG; 43,8% doanh nghiệp đang trong giai đoạn lên kế hoạch; 22,4% doanh nghiệp còn lại chưa có kế hoạch cụ thể hoặc không đặt ra cam kết ESG.

 

Hình 6: Khảo sát doanh nghiệp bao bì thực hiện chiến lược ESG  vào tháng 8/2023,  được thực hiện bởi Vietnam Report

 

Yếu tố kìm hãm sự phát triển ngành bao bì giấy

Sự  phụ thuộc và biến động của giá của nguồn nguyên liệu nhập khẩu.  

Theo Hiệp hội bao bì Việt Nam, một trong những đặc thù ngành bao bì là việc nhập khẩu 80-90% nguyên liệu đầu vào phụ thuộc giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đáng kể do nguồn cung cũng dần trở nên khan hiếm, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy cũng chịu nhiều ảnh hưởng; theo dữ liệu từ Hiệp hội bao bì Việt Nam (VINPAS): trung bình giá nguyên liệu giấy trong nước như giấy kiện đã tăng từ 40 - 50%, giấy ngoại nhập cũng tăng từ 20 - 40%. 

 

Bên cạnh đó, theo báo cáo thị trường bao bì giấy Việt Nam của Mordor Intelligence, hiện tại do Việt Nam không có đủ tài nguyên rừng để đáp ứng nhu cầu sản xuất giấy trong nước. Do đó, hầu hết nguyên liệu sản xuất giấy ở Việt Nam đều phải nhập khẩu.

 

Cụ thể, nguyên liệu chính để sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam vẫn chủ yếu là hộp carton cũ (OCC – old corrugated containers) và bột giấy nguyên sinh. Hiện nay, khoảng 85-90% nguyên liệu trong ngành bao bì giấy vẫn đến từ OCC, do đây là nguồn nguyên liệu có chi phí thấp hơn khoảng 3 lần so với bột giấy nguyên sinh. Sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu của ngành giấy bao bì tại Việt Nam rất cao, đặc biệt là khi nguồn cung nguyên liệu OCC trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 52% tổng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đối với bột giấy nguyên sinh, Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% do nguồn cung trong nước không đủ, chủ yếu do dăm gỗ phân bố rải rác và khó tiếp cận, cũng như chi phí đầu tư cho nhà máy lớn. Đặc biệt, trong nước chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất bột giấy, nhưng chủ yếu để phục vụ cho dây chuyền sản xuất giấy nội bộ, chỉ một phần nhỏ được bán ra thị trường bên ngoài.

Hình 7: Sản lượng tiêu thụ OCC Việt Nam, nguồn: VPPA

Tóm lại, nếu doanh nghiệp trong nước phụ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu cùng sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế.

 

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

 

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất bao bìquy mô vừa và nhỏ, do đó không có nguồn vốn đủ mạnh  cũng như  khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chính phủ. Điều này dẫn tới, các doanh nghiệp không đủ khả năng  đầu tư vào máy móc, trang thiết bị và  nghiên cứu công nghệ hiện đại. Từ đó, các doanh nghiệp này không có nhiều  lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trong năm 2022,  Vietdata cũng đưa ra báo cáo thị trường ngành bao bì giấy tại Việt Nam cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này đang diễn ra vô cùng gay gắt.Trong đó, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập vào ngành, nhưng không mang lại sự khác biệt quá lớn về sản phẩm cũng như vòng đời của sản phẩm vẫn ngắn. 

Kết luận 

Để có cái nhìn rõ hơn về bức tranh thị trường ngành giấy nói chung và ngành bao bì giấy nói riêng, hãy tham gia triển lãm Paper Vietnam 2024 - Triển lãm và Hội thảo quốc tế chuyên ngành Giấy và Bột giấy. Triển lãm  Paper Vietnam 2024 chắc chắn sẽ trở thành một nền tảng sức mạnh để thúc đẩy tăng cường cơ hội hợp tác, giao lưu trao đổi các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp giấy.

 

Đăng ký tham quan triển lãm Paper Vietnam 2024 (MIỄN PHÍ)